Thanh Bình phát huy lợi thế nghề truyền thống

Thứ 7, 21/12/2024, 15:48 (GMT+7)

Chia sẻ

Xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) vừa được Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Trong những năm qua, nhờ phát triển lợi thế từ ngành nghề nông thôn, thu nhập của người dân ngày một nâng cao. Đặc biệt, nhiều nông dân ở xã Thanh Bình đã và đang hướng tới phát triển sản phẩm từ nghề mây, tre đan và sản phẩm chăn nuôi trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị kinh tế.

chuong-my-1.jpg

 Giới thiệu sản phẩm mây, tre, giang đan của cơ sở sản xuất tại xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ).

Dù đã gần 70 tuổi, song ông Lưu Hữu Căn (thôn Trung Hoàng) vẫn luôn tâm huyết với nghề truyền thống mây, tre đan. Sinh ra và lớn lên ở làng, sau nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trở về địa phương, dù có lương hưu, cuộc sống khá ổn định, nhưng ông Căn luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, giúp mọi người có việc làm, thêm thu nhập. Không ngại khó, ngại khổ, ông Căn đã góp phần phát triển nghề mây, tre đan truyền thống tại quê hương.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những cây song, mây, tre, giang... đã trở thành những sản phẩm tinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Ban đầu, ông chỉ làm những chiếc ghế, khay rồi dần dà sáng tạo hàng trăm sản phẩm tinh xảo, như bình hoa, kệ, túi, giỏ, khay... được người tiêu dùng trong nước sử dụng. Ngoài ra, một số mặt hàng đã được xuất khẩu với số lượng khá ổn định. Hiện tại, cơ sở sản xuất của gia đình ông Lê Hữu Căn tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương.

Cũng phát triển kinh tế khá sớm từ chăn nuôi gà đẻ trứng, nhiều năm nay, anh Nguyễn Viết Tràng (thôn Thanh Nê) không phải đi làm thuê xa nhà mà vẫn có thu nhập cao. Anh Tràng chia sẻ, xã Thanh Bình có truyền thống chăn nuôi gà quy mô trang trại. Cách đây vài năm, gia đình anh đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, quy mô 10 vạn gà đẻ. Đây là mô hình chăn nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Gà được nuôi dưỡng, phát triển tốt, đẻ khỏe.

Với 10 vạn gà đẻ, mỗi ngày gia đình anh Tràng thu khoảng 9.700 quả trứng. Gà nuôi từ nhỏ đến tháng thứ 6 thì bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tiếp 15 tháng mới phải thay đàn. “Với lượng trứng lớn và chăn nuôi theo quy trình hiện đại, tôi đã chuẩn bị hồ sơ để đưa sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới để được chứng nhận, tạo niềm tin cho khách hàng”, anh Nguyễn Viết Tràng thông tin.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Lưu Hữu Quyền cho biết, ở xã Thanh Bình, người dân có truyền thống chăn nuôi. Cả xã hiện có 94 trang trại chăn nuôi gia cầm; 16 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn gia công cho cho các công ty. Đồng thời, hiện nay, nhiều hộ dân liên kết với các doanh nghiệp thu mua trứng để sản xuất thực phẩm chế biến, cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, khoảng 1.000 hộ dân có người tham gia sản xuất và phát triển nghề mây, tre… Trong đó, nhiều sản phẩm mây, tre, giang đan của xã đã được xuất khẩu đi nhiều nước, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Nhờ ngành nghề phát triển, xã Thanh Bình đã có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm.

Xác định Chương trình OCOP tiếp sức để các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của xã hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng, phát triển thị trường, xã Thanh Bình đã lựa chọn hai sản phẩm: Ghế ngồi song mây và kệ treo tường song mây của chủ thể ông Lưu Hữu Căn, ở thôn Trung Hoàng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Hai sản phẩm này cũng đã được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, trứng gà của nhiều hộ dân sẽ được hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Đó cũng là lý do để hy vọng rằng, những sản phẩm chủ lực xã Thanh Bình được tiếp sức sẽ phát triển tốt hơn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới.

Nguồn 

Bình luận của bạn