Phố cổ Hà Nội có không ít những con phố ngắn dưới 1km. Hà Trung là một con phố như vậy, chỉ dài 210m và rộng 7m nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán…
Phố Hà Trung – con phố chuyên sản xuất các mặt hàng da và giả da.
Người Hà Nội từ xưa thường có thói quen “lên Lãn Ông mua thuốc Bắc, qua Hàng Than mua bánh cốm, về Hàng Mã mua vàng mã và các loại đồ trang trí, …”, ý chỉ mỗi con phố chuyên về một mặt hàng nào đó. Hà Trung, một trong những con phố nhỏ bé nhất của Thủ đô, gắn liền với mặt hàng nổi bật là đồ da và giả da. Chỉ cần tinh ý một chút, từ đầu phố chúng ta đã có thể ngửi thấy thoang thoảng mùi của da và nghe thấy tiếng máy khâu chạy đều đều. Tại đây, đủ loại vỏ yên xe từ xe máy các dòng đến ô tô các kiểu, từ chất liệu giả da đến da thật, từ màu đen trơn đơn giản, màu nâu thanh lịch đến màu sắc pha phối, rồi hình trang trí bắt mắt. Không chỉ có yên xe, con phố này còn treo rất nhiều túi da, cặp sách, dây lưng, và đặc biệt là quần áo chất liệu vải denim. Những mặt hàng này đa phần không phải để bán mà là để sửa chữa.
Phố Hà Trung nổi tiếng với nghề bọc yên xe, sửa chữa đồ da và quần áo bò.
Phố Hà Trung thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố này gần chợ Hàng Da và tiếp giáp các phố như Cửa Đông, Đường Thành, Trần Phú, Lý Nam Đế. Đặc biệt, đi từ phố Hà Trung đến Hồ Gươm chỉ mất khoảng 10 phút nên rất thuận tiện cho các du khách tới tham quan.
Tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố nhưng dân cư trên phố đa phần không phải người gốc Hà Nội mà chủ yếu là dân nhập cư từ xưa. Khởi đầu là những người đến từ Tây Tựu, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ. Sử sách ghi lại, nghề làm đồ da trên phố Hà Trung do ông Thạch Văn Ngũ người làng Nành, thuộc Phù Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, khởi xướng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Trong thời gian đi lính, ông Ngũ học được nghề đóng giày tây, khâu yên cương ngựa rồi túi đựng đạn từ quân đội Pháp nên khi giải ngũ ông về mở cửa hiệu chuyên làm và sản xuất đồ da trên phố Hà Trung. Sau đó truyền lại nghề cho con cháu và những người cùng làng, hình thành nên phố nghề “đồ da” trên mảnh đất Thăng Long.
Nghề làm và sửa chữa đồ da vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Cứ thế, các cửa hiệu sản xuất mặt hàng đồ da như cặp sách, va li, giầy tây phát triển trên phố Hà Trung. Đến cuối thế kỷ 20, trên phố bắt đầu xuất hiện thêm nghề sản xuất mặt hàng giả da với đủ chủng loại cặp sách, giầy tây, va li, túi xách đa dạng màu sắc và kiểu cách. Dần dà, theo nhu cầu của cuộc sống cũng như thị trường, phố Hà Trung xuất hiện thêm nghề bọc yên xe, đệm bạt rồi thêm cả nghề sửa chữa quần áo bò, quần áo da.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan – người tiếp nối nghề làm da của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan – người dân phố Hà Trung kể lại rằng: “Gia đình tôi làm nghề da từ xưa, cũng mấy đời rồi, cha ông để lại chúng tôi cũng cứ thế làm theo. Riêng tôi đã làm nghề này ngót nghét 30 năm. Bây giờ mẫu mã đa dạng, tuổi nào cũng có thể hợp nên khách hàng càng thích thú”.
Bà Loan say mê chỉ cho chúng tôi từng loại da, từ bình dân đến cao cấp, từ màu trơn đến loại có họa tiết, rồi bà cho chúng tôi xem những chiếc yên xe được may cẩn thận. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên phố, gia đình bà Loan không chỉ sản xuất mặt hàng đồ da mà còn nhận sửa chữa đồ da, từ chiếc ghế rách lớp bọc đến chiếc túi hàng hiệu hay đôi giày cao cấp. Bà cho biết: “Khách hàng mỗi người một nhu cầu, có người chỉ muốn làm loại da bình thường, người lại yêu cầu dùng da cao cấp. Khi đó, tôi sẽ giúp họ hiểu và tìm được chủng loại phù hợp với mình. Đặc biệt, mùa đông chúng tôi thường nhận của khách nhiều công việc thiên về sửa chữa áo da và đệm ghế hơn, trong khi các mùa khác khách thường mang giày dép, túi xách đến nhờ chúng tôi sửa”.
Phố Hà Trung một buổi trưa vắng khách qua lại.
Nhỏ bé là vậy nhưng dân cư phố Hà Trung rất đông đúc. Tên phố Hà Trung có từ thời Pháp thuộc. Năm 1832, phố này có một trạm chuyển công văn, giấy tờ của triều đình nhà Nguyễn. Quy luật đặt tên cho trạm khi ấy là dùng chữ đầu của tên tỉnh ghép với cùng một chữ tên thôn. Do đó, trạm này có tên Hà Trung (ngày đó Thăng Long đã được đổi tên thành Hà Nội) và sau đó trở thành tên phố, tồn tại cho đến ngày nay.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
Bình luận của bạn