Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, cho biết ngày 3.4. Theo kế hoạch, việc tu bổ sẽ diễn ra từ 2023 - 2025 nhưng cố gắng để sau 1 năm có thể đưa vào sử dụng.
Theo bà Nguyệt, dự án này do Ban Quản lý dự án của Bộ VH-TT-DL là chủ đầu tư. Trong đó sẽ mời KTS Hồ Thiệu Trị, người từng tham gia trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1997. "Sau 25 năm kết nối lại với KTS Hồ Thiệu Trị, ông rất tâm huyết khi được tham gia tu bổ công trình này", bà Nguyệt nói. Viện Bảo tồn di tích cũng tham gia đợt trùng tu này, đây cũng là đơn vị đã tham gia cuộc trùng tu lần trước.
Về lý do trùng tu, bà Nguyệt cho biết không có chuyện nhà hát xuống cấp mà do có vốn trung hạn của Bộ KH-ĐT cấp cho Bộ VH-TT-DL năm 2025, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quan tâm đến công trình này nên đã quyết định trùng tu. Đợt trùng tu này chủ yếu dành cho sân khấu, thiết bị. Rèm cửa, ghế cũng đã đến lúc cần thay mới.
Theo dự kiến, khuôn viên hai bên sân vườn cũng được thay đổi. Trước đây, Bộ VH-TT-DL từng có ý định biến Nhà hát Lớn Hà Nội thành công viên mở, tuy nhiên đến nay vẫn "khoanh" trong hàng rào. Cùng với tầng hầm, diện tích bao quanh nhà hát cũng được sử dụng để kinh doanh cà phê giải khát.
Về tour tham quan đã được Bộ VH-TT-DL kỳ vọng, bà Nguyệt cho biết sau khi sửa chữa xong, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ khởi động lại.
Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công năm 1901, hoàn thành năm 1911, trở thành di tích quốc gia vào năm 2011 khi tròn 100 tuổi. Đây là một công trình kiến trúc Pháp có giá trị và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước như Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946… Phòng Gương trên tầng 2 của nhà hát là nơi từng tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Nhà vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Chủ tịch Microsoft Bill Gates...
Bình luận của bạn