Muốn giữ màu gốc công trình biệt thự Pháp tại 49 Trần Hưng Đạo

Thứ 7, 15/04/2023, 10:35 (GMT+7)

Chia sẻ

TS Emmanuel Cerise, thành viên nhóm chuyên gia trùng tu biệt thự Pháp tại 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cho biết muốn giữ màu gốc của công trình dù có thể bị "ném đá".

 
Ồn ào sọc màu vàng, đỏ
Nhiều ý kiến trái chiều đã làm nóng dư luận khi công chúng nhìn thấy hình ảnh của công trình biệt thự Pháp tại 49 Trần Hưng Đạo. Tòa nhà được sơn đầy đủ "từ đầu đến chân" với những sọc đỏ - vàng xen kẽ. Nhiều người cho rằng những sọc này khiến tòa nhà trở nên khó nhìn. "Chả thấy đẹp đâu", "Nhìn xấu quá", "Trông như nhà phao ở hội chợ"… là những ý kiến được đưa ra liên tục.

Mặc dù vậy, PGS-TS-KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị (UAI), trực thuộc Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - đơn vị tư vấn thiết kế của dự án này, cho rằng chỉ những người không hiểu về bảo tồn mới ồn ào về màu sắc công trình khi chưa có thông tin cụ thể như vậy. "Đây là công trình bảo tồn, và người thực hiện muốn bảo tồn nó vì nó là công trình kiến trúc có giá trị, cần giữ giá trị nguyên gốc. Màu sơn đấy, riêng chuyện khảo sát để tìm màu cũng đã kỳ công. Màu cũng thay đổi theo thời gian. Nếu làm vừa mắt thì sẽ không đúng. Cái nhìn cộng đồng và chuyên gia có khác nhau. Chuyên gia sẽ tìm cách tìm màu nguyên gốc, còn cộng đồng lại muốn thuận mắt", ông Khôi nói.

 
Công trình hiện tại chưa hoàn thành, màu cũng chỉ đang thử nghiệm
Nguyễn Trường

Về màu sắc của công trình này, TS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết đây chưa phải là màu sắc cuối cùng của công trình mà mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. "Chất liệu màu được sử dụng là gốc vôi, cùng với vữa trát tam hợp được dùng cho công trình này là vôi, cát, xi măng", ông Long nói. Có nghĩa là vật liệu được chọn dựa trên chính kỹ thuật xây dựng thời kỳ công trình này ra đời.

Ông Khôi cũng nhấn mạnh về việc công trình này không dùng sơn như các công trình hiện nay. "Dùng chữ sơn là không đúng, vì ngày xưa toàn quét vôi. Lớp vữa cũng là vữa tam hợp, chứ không phải là vữa xi măng", ông Khôi nói.

Ông Khôi cũng tiết lộ trong quá trình tư vấn, về hình thức màu quét, nhóm của ông tôn trọng ý kiến chuyên gia Pháp. "Cũng có bàn luận nhưng chúng tôi tôn trọng ý kiến và trao đổi. Màu là thứ khó, phải lên thực tế và chỉnh sửa tại hiện trường. Việc chỉnh sửa trong công tác bảo tồn là chuyện bình thường, làm bảo tồn tốn hơn xây mới nhiều lắm. Người chưa hiểu thì thắc mắc nhưng người trong nghề thấy bình thường", PGS Khôi nói.

PGS Khôi còn tiết lộ công trình được trùng tu với các kỹ thuật xưa, bảo tồn hệ thống kết cấu. Do đó, hệ thống ống nước để nguyên phía ngoài chứ không đưa vào âm tường, trần vôi rơm được làm đúng trần vôi rơm chứ không phải trần thạch cao như bây giờ. "Riêng hàng rào sắt bên ngoài thì giờ chỉ hàn, nhưng gốc là phải hàn, đinh ốc vít bắt vào nhau mới đúng. Đội thi công toàn nghệ nhân cả, rất giỏi các kỹ thuật xây dựng từ thời Pháp, và họ truyền nghề cho thợ trẻ. Làm theo cách cũ nên tốc độ cũng chậm", PGS Khôi nói.

 Màu gốc lộ ra khi nghiên cứu khảo cổ học công trình
Màu gốc lộ ra khi nghiên cứu khảo cổ học công trình
TL của KTS Đoàn Kỳ Thanh

Tìm thấy màu sơn gốc khi khảo sát
TS Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, cũng là chuyên gia bảo tồn của công trình này, cho biết trong dự án này các chuyên gia Pháp không tìm được bản vẽ gốc của tòa nhà. "Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì đây không phải là một công trình kiến trúc chủ đạo của chính quyền, không phải là một công thự mà chỉ là biệt thự tư nhân. Với biệt thự tư nhân, người ta không có nghĩa vụ lưu lại hồ sơ, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20", TS Emmanuel Cerise nói.

TS Emmanuel Cerise giải thích về cơ sở để tìm màu của tòa nhà 49 Trần Hưng Đạo. "Trong quá trình nghiên cứu hiện trạng công trình, chúng tôi làm việc thám sát các lớp vữa phủ bên ngoài tường. Khi róc lần lượt các lớp vữa đã được phủ lên rất nhiều theo thời gian, chúng tôi tìm thấy lớp vữa gốc có màu đó. Thời công trình mới xây dựng có hai màu: màu ve vàng và màu ve đỏ giả màu gạch và có kẻ các đường chỉ gạch giả. Chúng tôi dựa trên đó để lựa chọn màu sắc", ông nói.

Cơ sở thứ hai cho kết luận về màu sắc biệt thự này chính là tư liệu ảnh của nhà nhiếp ảnh Leon Busy. "Ông chụp hình màu nhiều công trình cùng thời kỳ 1915, tất nhiên không phải bằng phim màu như giờ nhưng nó vẫn thể hiện nhiều công trình xây kiểu đó: có các lớp đan xen giữa tường vàng và đỏ như thế. Tông màu ảnh có thể không thể hiện đúng như khi chúng ta nhìn bằng mắt thường, nên giờ chúng tôi đang trong quá trình thử nghiệm dần", TS Emmanuel Cerise giải thích.

TS Emmanuel Cerise cũng cho biết lúc đầu nhóm trùng tu quét màu thử nghiệm trên một mảng tường nhỏ, tuy nhiên điều đó không đủ để thấy toàn bộ diện mạo công trình. Sau đó, nhóm quét màu toàn bộ tòa nhà để thấy đúng ấn tượng thị giác nó tạo ra. "Kể cả việc sơn thử, chúng tôi không khẳng định sơn xong thì thành công ngay, có thể nó thành công ở mức độ nào đó nhưng vẫn đang là thử nghiệm. Dự án đến thời điểm này chưa hoàn thành nên chúng ta không nên coi đó là hình ảnh của công trình đã được trùng tu hoàn thiện", ông nói.

TS Emmanuel Cerise cũng cho biết mình là một chuyên gia bảo tồn, không phải là lãnh đạo có thể quyết định thay đổi màu tòa nhà hay không. "Nếu quyết định thay đổi màu tòa nhà thì cũng không tệ, nhưng có thay đổi thì cũng theo hướng làm màu nhạt đi một chút và vẫn phải là kết hợp của 2 - 3 màu chứ không phải màu sơn duy nhất. Còn với cá nhân tôi, làm bảo tồn và đã phát hiện đúng màu sơn gốc thì ủng hộ giữ nó", ông nói.

Theo TS Emmanuel Cerise, khi công trình hoàn thành, công chúng sẽ có thể có cái nhìn khác. Tuy nhiên, nếu dư luận vẫn gay gắt với màu nguyên bản thì có một công nghệ đang dùng ở Pháp sẽ tạo lớp phủ và làm công trình có vẻ vintage (cổ) hơn một chút. Tuy nhiên, ông cho biết công nghệ này tại VN chưa có, và nếu nhập về thì siêu đắt. 

Nguồn - VTC2.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác