Quán – Chùa Huyền Thiên có tên gọi chữ là Huyền Thiên Cổ Quán dân gian vẫn hay thường quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Nằm ở giữa phố Hàng Khoai, phường Đông Xuân, ngôi chùa mang lại một sự cổ kính giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Ảnh xưa: Chùa Huyền Thiên (Huyền Thiên quán) 54 Hàng Khoai
Nơi đây còn là chùa thờ Phật, đồng thời là đền thờ Mẫu. Chùa Huyền Thiên ngoài giá trị lịch sử còn thể hiện sự độc đáo của văn hóa Việt Nam khi kết hợp ba loại hình đền, chùa, quán trong một. Huyền Thiên quán, Trấn Vũ quán (đền Quán Thánh); Đồng Thiên quán (chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành) và Đế Thích quán (chùa Vua ở phố Thịnh Yên) nằm trong "Thăng Long tứ quán" |
Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Huyền Thiên là hiệu của một vị thần cùng với thần Kim Quy đã giúp vua An Dương Vương trừ Bạch Kê tinh đắp thành Cổ Loa. Và sau đó tặng vua Thục móng chân để chế lấy nỏ thần. Ghi nhớ ơn đức ấy, An Dương Vương đã lập quán thờ Ngài, đặt tên là Huyền Thiên đại quán ở núi Thất Diệu – nơi Huyền Thiên đã tu hành kiếp trước.
Quán và phong cảnh xung quanh đã tạo thành một danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Chùa Huyền Thiên vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ Thần, thờ Mẫu thể hiện tam giáo đồng nguyên. Do đó mà quán vẫn được dân gọi là chùa.
Quán – Chùa Huyền Thiên bố cục theo kiểu Nội Công Ngoại Quốc, các dấu tích, kiến trúc mỹ thuật hiện còn đều mang dấu ấn của những lần tu sửa năm 1930, 1948.
Mặt trước Quán trông ra phố Hàng Khoai. Tường sau áp sát phố Gầm Cầu. hai hồi quán là hai ngõ nhỏ. Tam quan – gác chuông hai tầng là một kiến trúc gạch nổi bật nhất trong toàn bộ các công trình của quán. Mang dấu ấn đậm nét theo kết cấu cổ truyền. Sau tam quan là sân quán với hai nhà bia lớn và hai giếng. Tiếp theo là phần nội công vẫn còn nguyên vẹn với nhà bái đường 7 gian, có kiến trúc theo kiểu vọng lâu hai tầng, tám mái. Đây cũng là nơi đặt pho tượng Huyền Thiên. Thiêu hương là một tòa nhà chạy dọc mang tính chất như thượng điện nối với hai gian nhà ngang phía sau.
Được khởi dựng từ thế kỷ XIV – XVIII, quán – chùa Huyền Thiên có một vị trí nhất định về kiến trúc và nghệ thuật ở Thủ đô. Trong kiến trúc gỗ cổ truyền ở nước ta, các thành phần kết cấu trang trí trạm khắc với nhiều đề tài khác nhau. Quán – Chùa Huyền Thiên hiện còn lưu giữ được nhiều mảng trang trí trạm khắc mẫu mực của phong cách nghê thuật thế kỉ XIX.
Là một ngôi chùa nhân dân dành để gửi gắm lòng thành kính, Quán – Chùa Huyền Thiên có một ý nghĩa văn hóa – xã hội đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam.
Không những thế, Quán - Chùa Huyền Thiên còn là một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển làng nghề truyền thống giữa lòng khu phố cổ và quần thể di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm, là đối tượng quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nước cũng như ngoài nước. Nếu được phục hồi nguyên trạng và quan tâm, chăm sóc một cách đúng mức, Quán - Chùa Huyền Thiên sẽ có tiềm năng phát huy giá trị rất lớn.
Ảnh hiện trạng
Bình luận của bạn