Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó khăn trong bối cảnh đô thị hóa ở mọi quốc gia. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị biến mất khi phải nhường không gian cho những dự án phát triển mới không chỉ của các chủ đầu tư tư nhân mà còn cả của nhà nước.
Một trong những yếu tố làm nên giá trị cảnh quan đặc trưng của những đô thị Việt Nam như Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố khác là những công trình kiến trúc truyền thống và kiến trúc thời thuộc địa. Tuy nhiên phần lớn những công trình đó lại chưa được xếp hạng là di tích ở bất kỳ cấp độ nào. Chúng như những hiện vật quý giá bày trong một bảo tàng không có cửa và cũng không có người bảo vệ.
Hình 1: Bản đồ khu vực trạm Bạch Mai năm 1925 trích từ bản đồ Hà Nội 1:10.000
Nguồn: Service Geographique de l’Indochine
Trạm phát sóng Bạch Mai là một công trình như vậy, các tòa nhà của trạm có chất lượng kiến trúc cao và mang dấu ấn lịch sử quan trọng, nhưng đã bị lãng quên một thời gian dài và đang bị phá dỡ một phần. Dù có sự lên tiếng bảo vệ của giới chuyên môn, báo chí, cộng đồng yêu di sản vào cuối năm 2019 vừa qua, nhưng trạm phát sóng Bạch Mai vẫn có thể mất nốt những dấu vết ít ỏi cuối cùng.
Hình 2: Không ảnh khu vực trạm Bạch Mai trước năm 1945
Lịch sử xây dựng và hoạt động của trạm phát sóng Bạch Mai
Trạm phát sóng Bạch Mai có một lịch sử xây dựng và hoạt động hơn 100 năm với rất nhiều thăng trầm. Những công trình nơi đây là chứng tích cho những sự kiện hào hùng thời khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng như là nơi đánh dấu những bước phát triển đầu tiên của ngành viễn thông vô tuyến dân sự ở Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.
– Giai đoạn trước cách mạng tháng 8 năm 1945: Trạm phát sóng Bạch Mai nguyên là trạm vô tuyến điện báo, ban đầu gọi là trạm TSF (Télégraphie sans fil), sau đổi tên là Station Radio Telegraphique, do thực dân Pháp xây dựng, được đích thân Toàn quyền Pháp tại Đông Dương khánh thành tháng 10 năm 1912. Trạm được thiết lập trong kế hoạch thay thế hệ thống điện báo hữu tuyến của Pháp tại Đông Dương đã xuống cấp và lạc hậu, lúc này thường xuyên bị đứt hoặc gặp sự cố nối đất. Trạm được dùng để đảm bảo liên lạc từ Hà Nội vào Sài Gòn, đồng thời liên lạc về Pháp qua đài trung gian ở Djibouti. Đây là trạm vô tuyến điện đầu tiên trong hệ thống trạm vô tuyến điện dân sự ở Đông Dương thay thế cho hệ thống của quân đội Pháp trước đó.
Cho đến trước năm 1954, trạm có quy mô khá lớn, diện tích đất khoảng trên dưới 8 ha. Trạm đươc xây dựng nâng cấp qua nhiều giai đoạn, từ thập niên 20, ở đây đã có 5 tòa nhà chính là nơi làm việc, đặt máy, 4 cột phát sóng và nhiều công trình phụ trợ. Ngày nay, ở đây vẫn tồn tại một số công trình xây trước năm 1954, trong đó chỉ có 2 nhà chính nguyên vẹn gồm 1 biệt thự 2 tầng tại số 10 ngõ 128C (tổng diện tích sàn khoảng 390m2) và 1 nhà làm việc 1 tầng tại số 22 ngõ 128C Đại La (diện tích khoảng 300m2), các tòa nhà khác đã bị phá hoặc biến dạng.
Hình 3: Ảnh trạm Bạch Mai trước năm 1945 nhìn từ phố Đại La.
Nguồn: Bưu ảnh Đông dương thuộc Pháp
– Giai đoạn từ cách mạng tháng 8 năm 1945 về sau: Tháng 9 năm 1945, khi Đài tiếng nói Việt Nam được thành lập, trạm vô tuyến điện báo Bạch Mai được cải tạo từ trạm phát sóng điện báo thành trạm phát sóng phát thanh. Vào 11h30 ngày 7-9-1945, bản tin đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phát đi từ trạm Bạch Mai ra toàn thế giới.
Cuối năm 1946, do tình hình căng thẳng, để chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, studio thu âm của Đài tiếng nói Việt Nam chuyển từ nội thành (4 Phạm Ngũ Lão) về trạm phát sóng Bạch Mai để đảm bảo an toàn. Tại tòa nhà (nay là biệt thự 10 ngõ 128C Đại La), vào 20 giờ ngày 19-12-46, phát thanh viên Dương Thị Ngân (bí danh Ngân Thanh) đã đọc lệnh kháng chiến phát đi toàn quốc. Sự kiện này đã được ghi lại trong các sách lịch sử của Đài tiếng nói Việt Nam.
Sau năm 1954, trạm Bạch Mai tiếp tục được đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng làm trạm phát sóng (cùng với trạm Mễ Trì). Thời gian sau này một phần khuôn viên trạm Bạch mai đã xuất hiện các nhà tập thể của cán bộ đài Tiếng nói Việt Nam. Trạm Bạch Mai tiếp tục được sử dụng là cơ sở phát sóng đến khi bị trúng bom trong chiến dịch ném bom 12 ngày đêm của Mỹ cuối năm 1972.
Sau năm 1975 toàn bộ trạm Bạch Mai chuyển thành nhà tập thể và các chức năng khác không còn được sử dụng để phát sóng. Trong đó một phần cơ sở vật chất được chuyển cho cơ quan khác quản lý (nhà số 22 nay được sử dụng làm Xí nghiệp in của NXB Văn hóa Dân tộc). Biệt thự số 10 cũng như một số tòa nhà khác được sử dụng làm nhà tập thể cho cán bộ đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay.
Giá trị của cụm công trình trạm phát sóng Bạch Mai
Giá trị lịch sử: Cụm công trình trạm phát sóng Bạch Mai có giá trị lịch sử nổi bật ở hai điểm sau:
- Thứ nhất trạm đóng vai trò quan trọng đối với lịch sử ra đời của ngành vô tuyến điện báo cũng như ngành phát thanh ở Việt Nam. Như đã nêu ở phần đầu bài viết, đây là trạm viễn thông dân sự đầu tiên ở Việt Nam. Với vị thế là một công trình kỹ thuật có chức năng chuyên biệt được xây dựng đầu thế kỷ 20, vai trò của trạm trong lịch sử tương tự như cầu Long Biên hay Ga Hàng cỏ, tuy ở quy mô nhỏ hơn và cấp độ thấp hơn. Không những thế, đối với ngành phát thanh của nước Việt Nam mới sau năm 1945 và đài Tiếng nói Việt Nam, trạm lại là cơ sở phát sóng đầu tiên gắn với lịch sử hình thành.
- Thứ hai, cụm công trình này còn ghi dấu ấn lịch sử quan trọng đặc biệt đối với Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua việc phát sóng lần đầu tiên bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ trạm phát sóng này mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được toàn nhân loại biết đến ngay sau khi tuyên bố độc lập. Đồng thời, với việc lệnh toàn quốc kháng chiến được đọc và phát đi lần đầu tiên tại đây tháng 12 năm 1946, trạm phát sóng Bạch Mai còn là di sản thể hiện quyết tâm giữ gìn nền độc lập non trẻ của nhà nước mới. Trong bối cảnh ngày nay, đây chính là nơi xứng đáng lấy làm minh chứng giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân.
Hình 4: Ảnh trạm Bạch Mai trước năm 1945 nhìn từ vị trí đường Giải Phòng hiện nay.
Nguồn: Bưu ảnh Đông dương thuộc Pháp
Giá trị kiến trúc nghệ thuật: Hai công trình còn lại nguyên vẹn trong quần thể trạm phát thanh Bạch Mai là biệt thự số 10 và nhà số 22 ngõ 128C Đại La có hình thức thống nhất với nhau và mang phong cách kiến trúc địa phương Pháp. Hai tòa nhà này mang phong cách miền trung nước Pháp với những nét đặc trưng là mái có độ dốc vừa phải, được đỡ và trang trí bằng hệ thống consol gỗ trang trí cầu kỳ. Xung quanh cửa và dưới mái của các công trình này, đặc biệt là tòa biệt thự số 10, được trang trí bằng các loại gạch nhiều màu rất tinh tế. Vì lẽ đó, biệt thự số 10 đã được thành phố cho vào danh mục thống kê biệt thự có giá trị kiến trúc nghệ thuật và xếp loại 2.
Hình 5: Hiện trạng biệt thự số 10 ngõ 128C Đại La, thuộc trạm Bạch Mai
Tòa nhà làm việc số 22 ngõ 128 Đại La là tòa nhà chính được xây dựng sớm nhất trong quần thể trạm vô tuyến điện báo năm 1912. Trán tường lối vào tòa nhà vẫn còn nguyên dòng chữ Station Radio Telegraphique. Ngoài những chi tiết kiến trúc và trang trí tương đồng với tòa biệt thự số 10, tòa nhà số 22 còn giữ được một số chi tiết độc đáo như kết cấu lanh – tô sắt có trang trí hình hoa rèn thủ công vừa có tác dụng chịu lực vừa có tác dụng thẩm mỹ ít thấy ở các tòa nhà cùng thời tại Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nêu trên, đặc biệt vai trò của cụm công trình trong giai đoạn Cách mạng tháng 8 năm 1945 và toàn quốc kháng chiến năm 1946, trạm phát sóng Bạch Mai xứng đáng được bảo vệ và công nhận là di tích lịch sử.
Hình 6: Hiện trạng mặt sau nhà số 22 ngõ 128C Đại La, thuộc trạm Bạch Mai
Những vấn đề hiện tại và kiến nghị bảo tồn
Hiện tại, cả hai công trình có giá trị nhất còn lại của trạm phát sóng Bạch Mai là biệt thự số 10 và nhà số 22 đều nằm một phần hoặc toàn bộ trong khu vực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở đường Đại La. Trong đó, biệt thự số 10 nằm hoàn toàn trong lòng đường dự kiến mở rộng, còn nhà số 22 có một góc nhô ra khoảng 3m so với chỉ giới quy hoạch.
Hình 7: Hiện trạng mặt trước nhà số 22 ngõ 128C Đại La, thuộc trạm Bạch Mai
Ngoài vị trí vướng vào dự án mở đường thì một điểm gây khó khăn khác cho công tác bảo tồn là tính pháp lý của công trình nhà số 22. Tòa nhà này hiện thuộc quản lý của một doanh nghiệp và chưa được xếp hạng di tích. Trước áp lực của việc giải tỏa cũng như sự hấp dẫn của lợi ích kinh tế mà khu đất mang lại, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, đơn vị quản lý đã dự kiến phát triển xây dựng mới tại đây mà không giữ lại công trình hiện có. Thực tế, dù có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc dừng giải tỏa, ngày 9/2/2020, đơn vị quản lý nhà số 22 đã tiến hành phá dỡ quá phạm vi được yêu cầu trong phương án giải tỏa mở đường.
Mặt bằng hiện trạng và đề xuất
Với tình huống này, để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển cũng như lợi ích của các bên liên quan, phương án xử lý có tính khả thi nhất có thể tính đến như sau:
- Về kỹ thuật, bảo tồn nguyên trạng tòa nhà chính 1 tầng ở số 22 ngõ 128C Đại La. Biệt thự số 10 có thể di dời nguyên khối đến vị trí hợp lý, mà lý tưởng nhất là sân nhà số 22. Hai công trình sẽ tạo thành quần thể di sản có giá trị mà không ảnh hưởng đến dự án vành đai 2 khu vực Ngã tư Vọng. Giải pháp đã được các nhà chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu – bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại (Docomomo Vietnam) nêu trong phụ lục công văn kiến nghị bảo tồn gửi UBND thành phố Hà Nội ngày 20/12/2019.
- Về mặt xã hội, cả hai công trình có thể chuyển đổi chức năng làm nhà lưu niệm, bảo tàng nhỏ kết hợp với một công năng khác. Ví dụ có thể dùng làm nhà văn hóa tổ dân phố cho địa phương. Điều này rất ý nghĩa khi khu vực đó chính là khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam mà cư dân khu vực đang bị mất đi một số sân chơi và không gian sinh hoạt cộng đồng do giải phóng mặt bằng. Việc kết hợp chức năng như trên sẽ vừa giúp bảo tồn di sản vừa cung cấp lại những không gian chung đã mất cho cộng đồng. TP có thể sử dụng một phần quỹ đất có chức năng công trình công cộng hiện được quy hoạch giáp với phía Tây nhà số 22 để hoán đổi với phần đất được thu hồi làm dự án bảo tồn.
Cách làm này sẽ bảo tồn được di sản quan trọng của đất nước mà vẫn hài hòa lợi ích giữa các bên. Cộng đồng dân cư có không gian sinh hoạt chung, thành phố có không gian để mở đường và thêm một địa chỉ văn hóa, đơn vị quản lý nhà số 22 hiện nay giữ được lợi ích kinh tế. Hy vọng rằng một kết cục có hậu sẽ đến với cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, tạo thành tiền lệ và bài học kinh nghiệm có ích cho công tác bảo tồn di sản đặc biệt là những công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng ở Việt Nam.
TS.KTS.Trương Ngọc Lân
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)-Nguồn
Bình luận của bạn