Đình Nam Hương thờ Vua Lê và cũng là nơi duy nhất trong cả nước thờ cả bốn vị thần thuộc hệ thống Thăng Long tứ trấn. Hiếm có di tích nào bên hồ Hoàn Kiếm có không gian đẹp và nhiều giá trị đặc biệt như đình Nam Hương.
May 2019 - Đình Nam Hương nhìn từ phía tượng Lê Lợi
Đứng trên hành lang tầng hai của đình Nam Hương, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát không gian xanh mát của hồ Hoàn Kiếm. Phía xa xa là cầu Thê Húc cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn, Trấn Ba Đình với lá cờ ngũ sắc phấp phới. Xuôi về phía nam là Tháp Rùa trầm mặc. Thu gần tầm mắt lại là tượng Vua Lê Thái Tổ được dựng theo truyền thuyết về việc ngài trả gươm báu cho rùa thần sau khi công cuộc chống giặc Minh thắng lợi.
Trước đây, đình Nam Hương nằm ở vị trí nay là khách sạn Apricot (136 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Thực dân Pháp lấy đất tại khu vực và cho xây lại ngôi đình ở vị trí số 75 phố Hàng Trống như ngày nay. Ngôi đình có hai tầng, trước đây tầng một được dùng làm trụ sở một số cơ quan. Năm 2019, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tiến hành tu bổ, tôn tạo, di dời các cơ quan và trả lại không gian cho đình Nam Hương.
Đình Nam Hương vốn quay ra phố Hàng Trống, nhưng giáp với đình là khu tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ (thuộc Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn). Trong quá trình tu bổ, thành phố đã đồng ý gắn không gian ngôi đình với khuôn viên khu tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ, tạo thành một không gian lớn. Cũng nhờ thế mà đình Nam Hương ngày nay vừa quay ra phố Hàng Trống, vừa nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm.
Mỗi ngôi đình thường thờ một hay một số vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư sở tại, nhưng đình Nam Hương lại thờ cả bốn vị thần trong hệ thống Thăng Long tứ trấn. Bốn vị thần bảo hộ bốn phía của kinh thành Thăng Long xưa, gồm: thần Bạch Mã, trấn giữ phía đông; Linh Lang đại vương, trấn giữ phía tây; Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn giữ phía bắc; Cao Sơn đại vương, trấn giữ phía nam.
Ngôi đình cũng thờ Vua Lê Thái Tổ và thờ một số vị thần khác. Hiện nay, đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị, nổi bật nhất là 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho các vị Thượng đẳng thần. Sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Hưng thứ 8 (1747), muộn nhất có niên đại Bảo Đại thứ 10 (1944) và một số đồ thờ tự.
Quận Hoàn Kiếm coi đình Nam Hương, khu tưởng niệm Vua Lê là một trọng điểm thu hút khách du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, quận phối hợp với các nghệ sĩ trẻ tuổi biến ngôi đình thành không gian nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh nổi tiếng từng có thời thịnh đạt ở con phố này.
Các nghệ sĩ sau khi nghiên cứu tranh Hàng Trống sẽ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu dòng tranh này. Tầng một của ngôi đình trở thành không gian nghệ thuật thường xuyên trưng bày, triển lãm những bức tranh Hàng Trống cổ điển cũng như những sáng tác của các nghệ sĩ. Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu: Lụa, sơn mài, giấy dó, kim sa… Nhờ thế, ngôi đình trở thành một địa chỉ độc đáo với cả người thích tìm hiểu về di tích lẫn nghệ thuật.
Biên tập: 36phophuong.vn
Bình luận của bạn